5 câu hỏi khi chọn mua đàn Guitar

5 câu hỏi khi chọn mua đàn Guitar

Tân Nhạc Cụ
08, November, 2016

1.Có nên mua đàn Guitar “rẻ” khi mới học

Nhiều phụ huynh đưa con tới Tân Nhạc Cụ, cũng như các bạn sinh viên và nhiều người khác tới và nói muốn mua một cây đàn “rẻ” (theo cách đành giá của họ) vì họ mới bắt đầu học, chưa cần cây đàn tốt hẳn. Khi nào chơi tốt sẽ mua một cây đàn khác.

Suy nghĩ này không có gì sai, thậm chí khá hợp lý khi điều kiện kinh tế ở Việt Nam đang ở mức thấp.

Tân Nhạc Cụ xin nhấn mạnh là như thế không sai và khá hợp lý về kinh tế. Tuy nhiên, cũng xin kể một câu chuyện.

Vợ chồng một người bạn, cũng như phần đông các gia đình khác, bận đi làm và để con nhỏ cho ô sin chăm sóc. Cháu bé đang trong giai đoạn tập nói. Giọng nói mà cháu nghe được nhiều nhất trong ngày là của cô ô sin. Cho đến một ngày, bạn tôi choáng váng khi cháu gọi “bóa ơi” (bố ơi).

Chả là cô ô sin là người ở một tỉnh lẻ (không tiện nêu ra đây vì sợ phân biệt vùng miền). Cô nói đặc giọng địa phương. Và con bạn tôi đã nói theo vì nó nghe giọng đó cả ngày.

Bạn là người mới học đàn. Khả năng cảm thụ và độ chính xác trong vấn đề thẩm âm của bạn phụ thuộc nhiều nhất vào chất lượng của cây đàn trong giai đoạn đầu này. Đàn đúng, bạn đúng. Đàn sai, bạn sai.

Cây đàn chất lượng kém, âm thanh không chuẩn sẽ làm bạn hỏng đôi tai (tức khả năng cảm thụ và thẩm âm của bạn).

Dù không cần thiết phải mua cây đàn quá tốt khi mới học nhưng không có nghĩa lại dễ dàng mua một cây đàn Guitar không thương hiệu với giá vài trăm nghìn. Có thể bạn may mắn gặp cây đàn ổn. Nhưng phần lớn những cây đàn không thương hiệu, không nguồn gốc xuất xứ khó có thể đảm bảo cho bạn một sự chắc chắn cần thiết.

2.Con tôi có năng khiếu âm nhạc không?

Nhiều phụ huynh tới nhờ Tân Nhạc Cụ tư vấn xem con mình có năng khiếu âm nhạc không. Làm như thế rất tốt vì nếu trẻ không có năng khiếu, không thích mà cứ ép cháu học thì âm nhạc thành nỗi ám ảnh cho tuổi thơ của bé. Hơn nữa cũng uổng phí một khoản tiền mua đàn vì cháu không chịu học.

Vấn đề này, Tân Nhạc Cụ cũng đã viết một bài. Mời các bạn đọc: Dấu hiệu trẻ có năng khiếu âm nhạc

Cũng xin nói thêm, âm nhạc và ngoại ngữ là 2 lĩnh vực gắn bó vô cùng khăng khít. Cả hai đều cần khả năng thẩm âm tốt. Người có đôi tai thẩm âm tốt sẽ  nghe và lặp lại một đoạn nhạc rất chính xác về cao độ và trường độ, sắc thái. Người này cũng học ngoại ngữ nhanh, nói ngoại ngữ chuẩn và hay.

Vì họ có khả năng NGHE chính xác (đầu vào) thì mới NÓI và LẶP LẠI chính xác (đầu ra). Vì thế mới có người hát phô vì khả năng thẩm âm của họ kém dầu họ không biết rằng họ đang hát phô.

Việc học ngoại ngữ cũng như học đàn. Không thể cứ có năng khiếu là giỏi luôn ngoại ngữ. Cũng như cứ có năng khiếu là chơi đàn hay luôn được. Trong quá trình học hai môn này, người học sẽ trải qua giai đoạn thích thú ban đầu, sau đó là chán, tiếp theo đó là say mê và thực sự ĐAM MÊ.

KHI BẠN CHÁN ĐÀN, KHÔNG CÓ NGHĨA BẠN KHÔNG CÓ NĂNG KHIẾU.

Có câu nói vui về 2 môn này: Người giỏi ngoại ngữ sẽ thông minh hơn. Nhưng người biết chơi đàn không những thông minh hơn mà còn hạnh phúc hơn.

“Con tôi tất nhiên là sẽ học đàn. Nó làm nghề gì sau này cũng được, nhưng phải biết chơi đàn. Và tôi thích thế! Vì âm nhạc chưa bao giờ là xấu với một con người, dù chỉ trong ý nghĩ”, lời một phụ huynh biết chơi và yêu đàn.

3. Cây đàn Guitar với giá tiền đó có đắt không?

Trước 1 cây đàn với 1 mức giá, có người nói sao đắt thế, có người nói sao rẻ thế, và có người cho rằng như thế là hợp lý.

Sẽ có người nói sở dĩ có 3 thái độ đó là vì mỗi người giàu nghèo khác nhau. Điều đó đúng. Nhưng cũng có người rất giàu nhưng vẫn chê cây đàn đắt. Ngược lại cũng có người nghèo, không đủ tiền mua nhưng vẫn cố giành giụm sao cho mua kỳ được cây đàn thì thôi.

Điểm mấu chốt là: CÂY ĐÀN ĐÓ CÓ XỨNG VỚI SỐ TIỀN ĐÓ KHÔNG?

Và để đánh giá cây đàn có xứng hay không thì có nhiều yếu tố như chất gỗ, công nghệ làm đàn, thương hiệu, phí dịch vụ… Trong đó, THƯƠNG HIỆU là yếu tố bao quát nhất và đáng tin cậy nhất.

Thương hiệu chính là sự đảm bảo cho 1 giá trị. Nó là thứ không đo đếm được. Nhưng hãy nhớ: cây đàn không chỉ là 1 vật dụng, nó còn là 1 tác phẩm nghệ thuật. Mà tác phẩm nghệ thuật thì luôn gắn liền với 1 thương hiệu. Để làm nên thương hiệu, mỗi hãng đàn phải mất tiền bạc và thời gian tới vài chục năm và do chính người tiêu dùng quyết định.

Chuyên gia âm nhạc Chí Hiếu đã có bài viết về điều này. Mời các bạn đọc: Giá trị của 1 cây đàn Guitar là gì?

Thương hiệu là sự đảm bảo cho 1 giá trị được tạo nên sau hàng trăm năm uy tín.

4. Có nên tự học chơi đàn Guitar?

Mua một cây đàn Guitar về, mua sách, lên mạng xem clip và tự học. Đó là cách phần lớn các bạn sinh viên hay lắm.

Như đi trong một thành phố lạ. Có người mua bản đồ tự dò đường. Có người vừa đi vừa hỏi. Có người tới nơi, có người lạc rất lâu.

Nhưng lý tưởng nhất là có người đi cùng mình tới nơi mình muốn trong một thành phố lạ.Vừa nhanh, vừa vui và quãng đường thành niềm vui, chứ không phải là chặng đường vất vả.

Học Guitar không chỉ đơn thuần là tìm đường. Học Guitar là một nghệ thuật. Khi bạn đang giai đoạn làm quen, tự học sẽ rất dễ bạn sai tư thế ngồi, đặc biệt là tư thế ngón tay, sai về kỹ thuật. Những cái sai này lâu ngày thành lối mòn, rất khó để sửa lại. Cũng như vừa đi sai đường có thể quay lại ngay, nhưng sai đường quá lâu, đi đã quá dài thì thật là tồi tệ.

Và rất hiếm người tự học, dù có chơi hay, dám tự tin chơi trước đông người. Họ sợ cái sai dù rất nhỏ nhưng cơ bản của họ sẽ bị cười.

Nói như thế không có nghĩa là không nên tự học. Bạn nên tự học khi đã có nền tảng cơ bản. Lúc đó bạn tự mày mò, sáng tạo nên phong cách cho riêng mình.

Vì bản chất của việc học, là thừa hưởng (học của thế hệ trước), dựa vào nền tảng đó làm bàn đạp để sáng tạo, vượt lên thế hệ trước. Đó là quy luật cơ bản của sự phát triển.

Một yếu tố khiến nhiều người tự học là điều kiện kinh tế khiêm tốn. Họ cho rằng học đàn là môn cao sang, tốn nhiều tiền. Điều đó đúng với một số nơi, và đặc biệt là khi thuê gia sư về học tại nhà.

Tại Tân Nhạc Cụ (và tôi nghĩ cũng như nhiều trung tâm âm nhạc khác), thu 100k/buổi học/người cho lớp học không quá 4 học viên, trong khi phải trả cho giáo viên 300k – 350k/buổi là một sự tính toán ngớ ngẩn, nếu xét về mặt kinh tế.

Nhưng chúng tôi không nhắm lấy lợi nhuận từ việc đó. Chúng tôi mở lớp, kết nối giữa giáo viên và học sinh, chỉ lấy 50k tiền điện, nước, chỗ ngồi cho mỗi buổi. Giá trị lớn lao mà chúng tôi có được là mọi người tới trung tâm học, thấy hay, thấy tốt, thấy uy tín và về nói lại cho người khác.

Đó là giá trị lớn lao và lâu bền nhất Tân Nhạc Cụ hướng tới.

5. Kích cỡ, dáng (khuyết, tròn) của đàn Guitar có ảnh hưởng gì?

Hai kiểu dáng Guitar này có những đặc trưng riêng. Đàn Guitar Acoustic khuyết thì thùng thường nhỏ, âm treble đanh, âm bass không lớn lắm, phù hợp với phong cách chơi fingerstyle.

Đàn Guitar Acoustic có thùng đàn tròn thường to, mid dày, âm bass trầm, ấm, ổn định, rất hay, phù hợp với đệm hát.

Không có phương pháp chọn đàn nào tốt bằng việc bạn trực tiếp cầm cây đàn lên, chơi và cảm nhận.

Nhà thiết kế tạo nên mỗi kiểu dáng có nét hay riêng, phù hợp với sở thích của từng người. Cũng như có người thích Mỹ Tâm, người khác thích Đàm Vĩnh Hưng.

Không có phương pháp chọn đàn nào tốt bằng việc bạn trực tiếp cầm cây đàn lên, chơi và cảm nhận. Khi cây đàn đáp ứng đủ các yếu tố cơ bản như thương hiệu, chất gỗ, phím, cần… tốt, thì việc bạn thích cây này hơn cây khác là yếu tố quan trọng nhất. Hãy chọn lấy cây đàn bạn cảm thấy thích, dù người khác nói rằng cây kia mới tốt hơn. Vì bạn đang chọn người bạn cho bạn, chứ không phải chọn bạn theo ý của người khác.

Chúc bạn luôn hạnh phúc trên con đường âm nhạc!

Tìm hiểu thêm về tất cả các model đàn guitar acoustic tại Tân Nhạc Cụ

Đọc các bài viết Kinh nghiệm chọn mua đàn guitar.

Bạn muốn mua đàn? Mời xem tất cả model tại: Đàn guitar

TAGS :

đàn guitar
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo