“Bản nghiên cứu" về học đàn của 1 phụ huynh có 16 ngàn followers

“Bản nghiên cứu" về học đàn của 1 phụ huynh có 16 ngàn followers

08, November, 2016

Lời giới thiệu của Tân Nhạc Cụ:

Dưới đây là “bản nghiên cứu” trước khi cho con học đàn của chị Hồ Thị Hải Âu – tác giả cuốn sách “Mẹ Việt – Dạy con bước cùng toàn cầu”. Tân Nhạc Cụ xin dẫn lại nguyên văn bài viết và trân trọng cảm ơn tác giả về một bản nghiên cứu mà chúng tôi đánh giá rất khoa học và sâu sắc.

"TRẢ LỜI 6 CÂU HỎI MẤU CHỐT 
ĐỂ CÙNG CON BẮT ĐẦU HỌC PIANO:
*P/S: Bài được viết bởi hối thúc của nhiều mẹ trẻ trong nước, cũng có nhiều mẹ Việt từ Nhật Bản, Mỹ, Singgaro gửi yêu cầu, hoặc đưa ra nhiều câu hỏi cần gải đáp... 
Mình đã tổng hợp những thắc mắc của các bạn và đúc kết tất cả CẨM NANG quan trọng trong quá trình đồng hành cùng con học nghệ thuật để chia sẻ với các bạn.
Do đó, đây là bài viết rất nhiều thông tin chắt lọc, nhiều quan điểm khoa học, đề nghị những bạn có quan tâm, hãy đọc chậm và kỹ! 

Bản tính mình thực ra rất thận trọng và tư chất khiêm tốn (tư duy chậm), làm việc gì muốn đến thành tựu (dù khiêm tốn) mình cũng phải dụng công nhiều gấp đôi ba, hoặc nhiều lần hơn người khác. Thế nên, khi nhận được ánh sáng từ tư tưởng triết học vị Phật: “Không có việc gì là dễ dàng!”, mình thấy vững tâm hơn,

Việc bé Khuê học một nhạc cụ cổ điển là điều mình vững tin sau khi nghiên cứu kỹ triết lý giáo dục từ một cuốn sách của trường Harvard: “Học để tăng cường tố chất chứ không vì có tố chất mới được học!”. Tuy nhiên, chọn nhạc cụ gì là điều mình cân nhắc rất cẩn thận!

Để chọn nhạc cụ piano và giáo trình theo đuổi là âm nhạc cổ điển – bác học, mình tự đặt ra yêu cầu, bản thân phải giải đáp thỏa đáng 6 câu hỏi mấu chốt như sau: 
(1) Vì sao lại chọn piano cổ điển làm bộ môn nghệ thuật cơ sở cho Khuê?; 
(2) Minh Khuê có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh không?; 
(3) Vì sao trong giới nghệ thuật hay đề cao yếu tố “con nhà nòi”? ; 
(4) Mình có kỳ vọng cho Khuê học chuyên nghiệp không?; 
(5) Mình đã có hiểu biết gì về bộ môn này và hiểu gì về phẩm chất chuyên môn (phẩm chất nghệ sĩ) của những nghệ sĩ – thầy giáo piano cổ điển?
(6) Vì sao rất nhiều gia đình cho con đi học piano nhưng dự án đã nhanh chóng đi tới phá sản? 
Những câu hỏi này, mình tự đặt ra và tự tìm lời giải đáp hàng năm trước khi Khuê bắt đầu học piano (tháng 10/2001). Và đây là những hiểu biết của mình về 6 câu hỏi, như sau:

(1)Vì sao lại chọn piano cổ điển làm bộ môn nghệ thuật cơ sở cho Khuê?

*Từ những nghiên cứu khoa học đã chứng minh, sự tuần thục và hoàn chỉnh trong phát triển của hai bán cầu đại não người có liên quan chặt chẽ với hoạt động của hai tay: Bán cầu đại não phải – chủ về tư duy hình tượng, tính toàn vẹn, khái quát, tư duy hình ảnh, nghệ thuật, ngôn ngữ … có liên quan đến sự thuần thục của tay trái; Bán cầu đại não trái – chủ về dạng tư duy logic, tư duy phân tích, tuyến tính, toán học, khoa học, siêu hình… có liên quan mật thiết đến sự thuần thục của tay phải!

** Trong quá trình tiến hóa của xã hội văn minh loài người, xu hướng sử dụng nhiều hơn tay phải trong mọi hoạt động, thuận tay phải,đồng thời dẫn đến thực trạng các công cụ lao động, đồ vật được chế tạo, sản xuất phục vụ nhu cầu của con người đều dành cho người thuận tay phải. Thực tế này dẫn đến một hệ quả hiển nhiên là, bán cầu đại não trái được tập dượt nhiều hơn, thành thục hơn so với bán cầu đại não phải - bán cầu có liên quan mật thiết với hoạt động của tay trái.

*** Từ hai hiểu biết khoa học trên, giúp mình nhận ra rằng, luyện tập cùng chiếc đàn piano (dương cầm) là một giải pháp tuyệt vời để giúp đứa trẻ cân bằng lại sự thuần thục của hai bán cầu đại não, khi tuổi não bộ vừa phát triển trọn vẹn (cả về thể tích, chất lượng và trọng lượng theo như khoa học đã chứng minh) ấy là lúc trẻ tròn 4 tuổi. 
Vì sao vậy? 
Vì piano là nhạc cụ đòi hỏi người tập luyện phải sử dụng hai bàn tay cân bằng ; mỗi ngón tay đảm nhiệm những nhiệm vụ và các phím khác nhau, nhưng nhìn chung, chúng đều phải làm việc ngang nhau về cường độ, độ khéo léo cũng như độ nhanh nhậy… Điều đó, mang tới một giá trị/ một hiệu ứng kép, đó là rèn luyện cho hai bán cầu đại não của trẻ sự thuần thục tương đương, không bị thiên lệch, giúp trẻ dần sở hữu một não bộ tư- duy- cân- phương hoàn hảo và hài hòa nhất của bản thể chúng!
Đặc biệt, điều này rất rõ ràng khi trẻ luyện bộ Bình quân luật (Fuga và Prelude) của nhà soạn nhạc J.Bach và các bài luyện ngón etude

**** Nếu bạn đã từng nghe nói rằng “hình tượng âm nhạc của tác phẩm…” là một cụm từ quen thuộc khi bình luận về một tác phẩm âm nhạc cổ điển- bác học nào đó, thì dường như, bạn đã nhận ra sự liên quan (hay tính phụ thuộc, kết nối lẫn nhau) giữa âm nhạc bác học với hội họa, văn học, điêu khắc… vân vân, tức là sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật khác với nhau là khá rõ nét.

Tuy nhiên, bạn khó lòng nhận ra mối liên hệ khăng khít giữa ÂM NHẠC HÀN LÂM BÁC HỌC VỚI TOÁN HỌC, và giữa hai lĩnh vực này có sự tương hỗ kỳ diệu khiến mình phải kinh ngạc!

Nếu trong toán học cơ sở, gồm có 9 chữ số tự nhiên từ 0 đến 9; và từ 9 chữ số đó sẽ là một vũ trụ thiên biến vạn hóa các giá trị hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: số 1 và số 2 đứng cạnh nhau, nhưng chỉ cần hoán đổi vị trí, thì giá trị của chúng là hoàn toàn khác nhau. Âm nhạc bác học – cổ điển cũng vậy: chỉ từ 7 nốt nhạc cơ bản: Đô – rê - mi – pha – xon – la – xi phối hợp với dấu thăng giáng đi kèm… đã mang tới cho nhân loại một vũ trụ bao la những giai điệu, những tác phẩm đồ sộ hoàn toàn khác nhau, điển hình là tác phẩm của các thiên tài: L. van Beethoven ; Mozart; Haydn, J. Bach…

Điều này cho mình gợi ý: khác với ngôn ngữ, bạn có thể dựa vào văn cảnh, câu đứng trước, câu đứng sau… thậm chí dựa vào cả bài viết, bài nói … để đoán biết một từ bạn vừa nghe thoáng qua, mà 99% là đoán đúng!

Ngược lại, trong toán học và âm nhạc cổ điển, bạn không được phép tư duy kiểu “hình tượng/hình ảnh” như thế! Bạn phải tập trung cao độ để nhận thấy sự khác biệt, hoán đổi vị trí của con số (trong toán học) hay nốt nhạc (trong âm nhạc) để nắm bắt và tin chắc chúng “mang – giá - trị” nào, chứ không thể phỏng đoán và dùng phép loại trừ như cách tìm giá trị của từ ngữ!

Như vậy, cả toán học và âm nhạc bác học đều yêu cầu một dạng phẩm chất trong tư duy, đó là: tính tập trung cao độ; tính thực tế khách quan, không áp đặt chủ quan; tính kỷ luật tuyệt đối trong nghiên cứu/tìm tòi và khổ luyện!

Hiểu biết khoa học này rất thuyết phục khi mình biết rằng, có nhiều nhà toán học/khoa học lừng danh thế giới, đồng thời là nhà soạn nhạc và là pianist rất “chuyên nghiệp” như:
Pythagoras - Triết gia người Hy Lạp/nhà toán học/nhạc sĩ, pianist 
Albert Einstein – nhà vật lý họct/ pianist và violin 
Enrico Fermi – nhà vật lý học/chơi piano 
Richard Feynman – nhà vật lý học/hoạ sĩ 
Werner Von Braun – nhà khoa học tên lửa/chơi piano và cello 
Edward Teller - nhà vật lý học/Pianist 
Arthur Schawlow - nhà vật lý học /chơi kèn clarinet 
Albert Schweitzer - bác sĩ/ pianist và chơi organ nổi tiếng thế giới đặc biệt, ông chơi những tác phẩm của J. Bach rất hay. 
Gerald Edelman - Nobel sinh học/chơi violin
và danh sách này còn kéo dài nữa, nếu bạn quan tâm tìm hiểu!

KẾT LUẬN: 
Như vậy, mình đã tìm được lời đáp thỏa đáng cho câu hỏi (1) Vì sao lại chọn piano cổ điển làm bộ môn nghệ thuật cơ sở cho Khuê?
Cơ bản, học piano cổ điển mang đến những lợi ích kép tuyệt vời, nó chứng minh cho triết lý giáo dục mà mình theo đuổi: “Học để tăng cường tố chất!”, bao gồm:

- Giúp hai bán cầu đại não của trẻ phát triển hoàn chỉnh thuần thục, cân phương

- Giúp trẻ trau dồi phẩm chất nghệ thuật – nhân văn (âm nhạc bác học với hội họa, văn học, điêu khắc… trong sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật)

- Giúp trẻ rèn luyện những phẩm chất trong tư duy vô cùng quan trọng để học toán và các lĩnh vực khoa học - nghệ thuật sâu rộng khác, đó là: tính tập trung cao độ; tính tôn trọng thực tế khách quan, không áp đặt chủ quan; tính kỷ luật tuyệt đối trong nghiên cứu/tìm tòi và khổ luyện!

(2) Minh Khuê có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh không?

Nếu xét trên cảm quan bộc lộ khi Khuê 4 tuổi, mình không có nhiều chỉ dẫn để khẳng định, bé có năng khiếu âm nhạc cổ điển từ bẩm sinh. Tuy được mẹ bồi đắp phẩm chất âm nhạc bằng việc cho con nghe nhạc cổ điển ngay từ thời kỳ thai giáo, bản thân mình rất thích âm nhạc cổ điển và hay hát những trích đoạn opera nổi tiếng cho con nghe; thường hay dịch chuyển những “hình tượng” trong âm nhạc bác học thành hình tượng văn học để diễn giải vẻ đẹp/sự xúc động/lay động của âm nhạc cho Khuê hiểu. Nhưng những yếu tố để xác định năng khiếu đều thiếu hụt:

*Lịch sử gia đình nhiều đời không có ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc

**Môi trường xã hội tại Việt Nam thời điểm đó rất mờ nhạt những giá trị âm nhạc cổ điển

***Cơ thể bé Khuê nhỏ bé hơn trẻ Việt Nam cùng lứa, chưa nói gì đến trẻ Âu – Mỹ, là cái nôi và truyền thống của âm nhạc bác học, nhạc cụ piano đòi hỏi người chơi/học bộ môn này phải có quãng ngón dài, sải tay dài, thể lực tốt, có sức khỏe dồi dào…

KẾT LUẬN:
Vậy điều gì khiến mình vẫn quyết tâm cho Khuê học piano? 
Ngoài những chứng lý vô cùng thuyết phục ở câu hỏi (1) thì những lời đáp ở câu hỏi (2) càng khẳng định triết lý giáo dục mà mình theo đuổi: Cho Khuê học để tăng cường tố chất (phẩm chất/tư chất) chứ không vì trẻ đã có tố chất mới được học!

Đây là một triết lý giáo dục rất nhân ái mà trường Harvard chủ trương (cũng như nền giáo dục Âu – Mỹ), nó đảm bảo quyền được học để nâng cao phẩm chất của cá nhân chứ không vì mục đích nghề nghiệp/phục vụ.

(3)Vì sao trong giới nghệ thuật hay đề cao yếu tố “con nhà nòi”?

Khi tìm hiểu căn cội vấn đề để quyết định cho Khuê học Piano, mình thường được nghe một câu nói cửa miệng của nhiều người “À, môn ấy là môn dành cho con nhà nòi!” “Nghệ sĩ ấy là con nhà nòi!”… điều này ngụ ý đến tính truyền thống, tiếp nối trong gia đình (kiểu như trong nhà có bố/mẹ hay cô/dì/chú/bác) hoạt động trong lĩnh vực ấy. Như vậy, “con nhà nòi” trở thành một điều kiện (lợi thế) quan trọng để đứa trẻ có hay không cơ hội tinh tấn trên con đường rèn tập khổ luyện âm nhạc cổ điển!

Mình nhận ra rằng, ngoài yếu tố tạo môi trường âm nhạc phong phú, dồi dào cho tâm thức trẻ được vùng vẫy trong đó, yếu tố “con nhà nòi” còn cho mình một hiểu biết lớn, như sau:

Người học piano ở một góc độ nào đó, là người học nghề thủ công, đòi hỏi sự khéo léo, thuần thục. Có câu: "trăm hay không bằng tay quen", khác với học toán học văn… học piano (hay những nhạc cụ khác) người học trò (hay con cái) không chỉ lĩnh hội ở thầy tinh thần và lý thuyết… mà bắt buộc phải học ở thầy (hay cha/mẹ) sự thao tác, luyện tập ngón, làm việc trên phím đàn theo cách thức QUAN SÁT VÀ BẮT CHƯỚC! 
Đây là phương pháp học piano không có cách nào thay thế được.

Do đó, mình đã hiểu vì sao yếu tố “con nhà nòi” được đề cao là vì vậy.

Và, để bù lại việc thiếu hụt yếu tố “con nhà nòi” vốn có môi trường QUAN SÁT VÀ BẮT CHƯỚC từ cha/mẹ hay người thân trong gia đình; mình chọn phương án tăng tiết học piano trong tuần cho Khuê:
Từ 5-6 tuổi Khuê học 4 - 5 tiết/tuần; 
Từ 6- 10 tuổi Khuê học piano là 3-4 tiết/tuần;
Từ 11 tuổi đến nay: từ 2- 3 tiết/tuần… 
Ngoại lệ, vào mùa nghỉ hè, số tiết có thể tăng lên, và mùa thi cao điểm ở trường phổ thông, số tiết có thể tạm thời giảm xuống chút ít).

Việc tăng thêm tiết học, giúp Khuê có thêm cơ hội QUAN SÁT VÀ BẮT CHƯỚC thầy giáo – người nghệ sĩ pianist nhiều hơn, tương đương như yếu tố ‘con nhà nòi!”

(4) Mình có kỳ vọng cho Khuê học chuyên nghiệp không?

Trong tập quán tư duy của người Việt Nam, khi nói cho trẻ khởi đầu học môn nghệ thuật gì, lập tức bạn sẽ được hỏi “học để sau là nhạc công à?” - nghĩa là: học để làm nghề!
và thường kèm theo những bình luận đại khái: Nghề đấy hay /dở thế này thế kia… vân vân.

Đây là một tập quán, lối nghĩa không đúng, mình phải tự dỡ bỏ, 
Nhà giáo dục học vĩ đại người Mỹ John Dewey của thế kỷ 20, đã phát biểu một mệnh đề lớn, khái quát như sau: sự học có 4 giá trị trụ cột đó là: 
1/ Học để hiểu biết; 
2/ Học để chung sống (kỹ năng); 
3/Học để hướng thượng (hướng tới điều tốt đẹp Chân- Thiện- Mỹ)

và cuối cùng: 4/học để làm nghề, kiếm sống (sinh tồn)!

4 giá trị trụ cột ấy luôn có sự tương hỗ và chuyển hóa trong quá trình, do đó, theo ưu tiên thứ tự của John Dewey, mình nhận được gợi ý quý giá rằng: Hãy cho Khuê học Piano để có được hiểu biết /có phẩm chất nghệ thuật nhân văn trong tâm hồn về lâu dài,

Không xác định học để trở thành nghề, đây là một nhận thức lớn để có được tâm thế người đồng hành bình tâm, khoan hòa và không đẩy áp lực ‘nghề sinh tồn – kiếm sống” lên tâm lý non nớt của trẻ, khiến bầu không khí tập luyện nhuốm mầu lo âu, nôn nóng đầy lo ngại của tâm trạng “bỏ trứng một rổ”.

Sự nôn nóng, lo âu, căng thẳng của bố/mẹ trước câu hỏi “Không hiểu nó có thành nghề ngỗng gì không?”, lâu dần, tâm lý đầy áp lực của cha/mẹ bồi lên đứa trẻ sự căng thẳng triền miên… khiến việc học piano trở nên nặng nề khiên cưỡng, mệt mỏi mãn tính đến mức có trẻ phát sốt, hay đau bụng/buồn nôn... trước tiết học đàn, có trẻ phải nói dối vòng vo để trốn trả bài… Cuối cùng, cả thầy/trò cả cha/mẹ đều mệt mỏi rã rời…và việc bỏ học piano là thực trạng hiện hữu, chiếm tỷ lệ trên 95% số trẻ khởi đầu chọn học nhạc cụ này!

(5) Mình đã có hiểu biết gì về bộ môn này và hiểu gì về phẩm chất chuyên môn (phẩm chất nghệ sĩ) của những nghệ sĩ – thầy giáo piano cổ điển?

Quả thật, âm nhạc cổ điển- bác học ở Việt Nam chưa thật sự có tập quán trong tư duy của xã hội, nên nhận thức chung của xh về môn nghệ thuật này hết sức sơ sài. Mình cũng vậy!

Thật ra, để đứng trên vị trí người thầy – người nghệ sĩ pianist, quả là một quá trình khổ luyện, sáng tạo, tài năng và lao động cật lực lâu dài từ 15 - đến 20 năm và những thầy cô CÓ PHẨM CHẤT NGHỆ SĨ ĐÍCH THỰC lại thường được đào tạo rất bài bản từ bé/ hoặc từng tu nghiệp nhiều năm tại những quốc gia hùng mạnh về bộ môn nghệ thuật này như: Nga , Đức, Ba Lan, Áo, Canada vân vân.... 
Mình thường dùng hình ảnh này để ví von: Nếu ví những môn nghệ thuật là một bàn tiệc cho tâm hồn, thì văn chương là cơm tám giò chả, còn âm nhạc bác học là thứ rượu cô-nhắc được chưng cất lên men rất kỳ công!

Người thầy- người nghệ sĩ pianist vừa là một trí thức giàu tính tư tưởng, đồng thời vừa là một người lao động chân tay cật lực/đổ mồ hôi và cả nước mắt rất nhiều trên những phím đàn; 
Họ phải rèn tập, khổ luyện bằng kỷ luật nghiêm khắc, làm việc bằng một tâm trí/thần kinh quân bình/tỉnh thức nhưng đồng thời lại phải có một trái tim lãng mạn rung động và thăng hoa của phẩm chất NGHỆ SĨ THẲM SÂU!

Khi mình thấu đạt điều này, tự đáy lòng mình luôn mang tình cảm kính trọng , tôn vinh những người thầy/cô pianist mà mình chọn cho Khuê học và những đồng nghiệp của họ. Tuyệt nhiên, chưa bao giờ khởi trong lòng ý nghĩ kiểu "Mình thuê thầy thì thầy phải có nhiệm vụ dạy con mình!". 
Thái độ tôn kính thầy cô và coi ÂM NHẠC BÁC HỌC LÀ MỘT TÔN GIÁO LỚN của mình, có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tâm hồn và thái độ của Minh Khuê đối với môn học: luôn coi đó là quan trọng, kính yêu thầy cô và tập luyện chuyên cần với nhiều nỗ lực!

Đồng thời mình nhận ra tập quán thường nghĩ: “Ừm, mình không cần con học để thành nghề, chỉ học cho BIẾT thôi!” hiện khá phổ biến trong phần lớn bố/mẹ đang cho con học piano, là một lối nghĩ nông cạn và thiếu những hiểu biết đầy đủ.

Thực tế, trong cuộc sống cho mình hiểu rằng: “KHÔNG CÓ VIỆC GÌ LÀ DỄ DÀNG!” – đây là điều mình nhận được trong những lời Phật dạy, mình càng thấm thía rằng, với một môn học như piano cổ điển, để đạt được một thành tựu nào, dù khiêm nhường đến đâu, cũng không thể bắt đầu từ một lối tư duy chủ đạo thiếu hiểu biết “học để biết, để giải trí cho vui” - từ cách nghĩ sơ lược ấy, sẽ dẫn đến thái độ, ứng xử thiếu hiểu biết bản chất môn học/ thiếu nghiêm túc, do đó bố mẹ không đầu tư sự quan tâm đúng mức, không có tiếng nói chung đồng điệu với thầy cô của con mình, dẫn đến đứa trẻ không được nhận sự huấn luyện hoàn hảo và tâm huyết nhất!

Do vậy, để Khuê học piano mình đã chuẩn bị một tâm thế rất nghiêm túc, có lộ trình rõ ràng: trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, như sau: 
- hình thức học: một thầy - một trò
-Từ 4-5 tuổi đến 8 tuổi: 
Mình hiểu rằng, tiềm năng hấp thụ âm nhạc của trẻ là rất lớn khi chúng ở tuổi thứ 4 (nghĩa là khi não bộ phát triển hoàn chỉnh và đang RỖNG, tràn đầy nguyên khí trong trẻo) 
Bắt đầu cho trẻ tập rèn với âm nhạc cổ điển với người huấn luyện chuyên nghiệp , trên cây đàn chuyên nghiệp khi trẻ tròn 4 tuổi , là bạn đã biết cách tiết kiệm thời gian và công sức cho tương lai, vì sự bắt đầu sớm, cho phép trẻ tập dượt sớm, dần đưa trẻ đi vào hành lang của tiềm thức âm nhạc bên trong bản thể! Hơn nữa, nếu bắt đầu muộn hơn sau 10 tuổi, thì nhiều năng lực tiềm ẩn của trẻ do được đánh thức muộn... đã bị mai một, giảm theo tỷ lệ 20% mỗi năm (sau độ tuổi 10 tuổi), rất lãng phí! 
Giai đoạn này, Khuê học với cô giáo! Mình đề xuất với cô giáo ưu tiên huấn luyện và bồi đắp để Khuê thuần thục , đúng tư thế tay; luyện tai nghe, nhạc cảm, những bài luyện và khúc nhạc ngắn theo giáo trình chuẩn chương trình sơ cấp của nhạc viện quốc gia VN (Đây cũng là Giáo trình của Viện âm nhạc Quốc Gia Nga). Lộ trình học piano của Khuê được co giãn theo sức học và tâm lý của Khuê, không bị áp lực nào của trường chuyên nghiệp, không nóng vội tập tác phẩm! Quãng thời gian này: mục tiêu là cùng cô rèn cho Khuê KỶ LUẬT MỀM, thông qua những bài luyện ngón!

-Từ 9-10 tuổi, Khuê đầu tư cho tác phẩm và quan tâm đến các cuộc festival Piano hàng năm, nhằm thúc đẩy Khuê học có mục tiêu rõ ràng hơn. Quả nhiên, Khuê tỏ ra háo hức, hứng thú. Hai năm liên tiếp (2005 và 2006), Khuê đều đoạt GIẢI NHÌ Fetival Piano Hà Nội.
Từ hai giải thưởng liên tiếp, Khuê bộc lộ rõ là một cô bé có phẩm chất nghệ thuật, và việc học piano/chơi piano từ đây đã có thêm mầu sắc của sự thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ học những môn văn hóa như toán lý hóa trên lớp…

-Năm 2007 trở đi, Khuê có bước chuyển biến vượt bậc cùng với việc bắt đầu học với Thầy Phuong Nguyen Huy (sau 6 năm học với cô giáo, mình nhận thấy, đã đến lúc tìm một Thầy giáo để đáp ứng lộ trình học của Khuê tốt nhất) 
Từ thời điểm này, tính chuyên sâu/chuyên nghiệp và bản lĩnh sân khấu được nâng lên ở tầng mức cao hơn, do tâm lý luôn trong thoải mái không bị áp lực danh tiếng và nghề nghiệp kỳ vọng. Và đặc biệt là sự đồng cảm sâu sắc của hai thầy trò! 
Chính một tâm thế an nhiên HỌC ĐỂ HIỂU BIẾT/ lại được truyền thụ bởi người thầy - pianist giỏi và tâm huyết, đã giúp cô bé buông lỏng tâm thế, thể hiện toàn bộ những thành tựu tích lũy của nhiều năm khổ luyện trong một tinh thần NGHỆ THUẬT – VÀ CỐNG HIẾN VÔ TƯ, nên hiệu quả mang lại rõ nét: Phẩm chất nghệ sĩ đích thực trong âm nhạc được bộc lộ, bản lĩnh sân khấu an nhiên, (hay nhiều khi được gọi đùa là bản lĩnh lì lợm trên sân khấu) nên Khuê không bị căng thẳng quá mức, làm chủ được sân khấu, không bị vấp, hỏng khi biểu diễn trước một khán phòng lớn đầy khán giả/ hoặc chơi trong cả dàn nhạc gồm 50 nghệ sĩ mà Khuê là pianist!

(6) Vì sao rất nhiều gia đình cho con đi học piano, nhưng dự án đã nhanh chóng đi tới phá sản?

Mình đã có nhiều cuộc phỏng vấn nghiêm túc với nhiều thầy giáo dạy toán giỏi và tâm huyết về niềm yêu thích học toán học của họ khi còn nhỏ, câu trả lời khá tương đồng: “Không có mấy đứa trẻ ngay từ bé đã thích học toán như nhiều người nhầm tưởng đâu! Hay nói cách khác, toán học không thể hấp dẫn đối với trẻ nhỏ, vì nó khô khan, kỷ luật và chặt chẽ!
Mình cũng đã phỏng vấn nhiều nghệ sĩ pianist thành danh về quãng đời ấu thơ và việc học piano của họ thời kỳ đó. Câu trả lời cũng tương tự: Rất nhiều khi chán nản và không thích thú gì, nhưng nhờ có bố/mẹ hỗ trợ nên vượt qua giai đoạn đó, có những lúc tưởng là bỏ dở vì thấy ngại học…

Như vậy, do cả toán học và âm nhạc bác học đều yêu cầu một dạng phẩm chất trong tư duy, đó là: tính tập trung cao độ; tính thực tế khách quan, không áp đặt chủ quan! Việc luyện tập đòi hỏi một sự kỷ luật tuyệt đối- những đòi hỏi khắt khe này, đương nhiên không thỏa mãn bản tính trẻ nhỏ đó là: thích hoạt động tự do, sáng tạo, đại khái, không chịu được kỷ luật, gò bó … vân vân.

Những hiểu biết này, đã khiến mình hiểu rằng, để dự án học piano của Khuê không rơi vào tình trạng phá sản sau một thời gian vài ba năm, mình – trong vai trò người trợ thủ và đồng hành, phải nhìn nhận những đặc điểm kỷ luật khắt khe của môn học để có cách lựa chiều, vừa đưa con vào kỷ luật mềm, vừa không “già néo đứt dây”. Mềm mại nhưng kiên định cùng con bước qua giai đoạn những năm của giáo trình sơ cấp với một phương châm: "Mọi rào cản về tâm lý phải được soi xét và giải quyết ngay khi vừa xuất hiện, để không trở thành lối mòn, tật xấu khó chỉnh, tích tụ nhiều sẽ gây trở ngại lớn!

Ví dụ: tiết luyện đàn của Khuê tại nhà luôn được mẹ tắt các thiết bị, tạo môi trường tĩnh lặng để Khuê dễ tập trung. 
Những tiết học kiểm tra định kỳ của Khuê với cô giáo đều được thiết kế như một buổi biểu diễn nhỏ, Khuê được mặc đẹp và mẹ đều có hoa tặng con gái và cô giáo sau buổi kiểm tra đó!
Khi có dấu hiệu tâm lý mệt mỏi trùng với tiết học piano (đôi khi, do những rắc rối khác) thì tiết học cũng nhanh chóng được mẹ đề xuất biến thành một tiết thư giãn vui vẻ như Khuê đang chơi với cây đàn chứ không phải trả bài, luyện ngón như nó thường diễn ra...

Ví dụ: Thời gian đầu, mình chia nhỏ thời gian cần luyện đàn của Khuê ra thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần 15 phút… không kéo dài, nhưng đảm bảo tổng lượng thời gian Khuê tự luyện đàn ở nhà không ít hơn 60 phút/ngày. Việc này, giúp trẻ không nhàm chán. Việc dừng thời gian trong từng tiết luyện đàn khi trẻ vừa đủ hứng thú, khiến cho chúng không ngại sợ khi vào ngồi học lần sau… Cứ thế tăng dần thời gian tiết học một cách êm ái, không gây sốc với trẻ!

Trong thỏa thuận với cô giáo/thầy giáo, dứt khoát mình chủ động đề xuất có những tiết học… chỉ để thầy cô nói chuyện âm nhạc, chuyện các nghệ sĩ học đàn, luyện tập như thế nào? Kể cả những giai thoại vui về các nhà soạn nhạc lừng danh, chuyện thuở bé thầy/cô cũng học gian khó ra sao, đôi khi đơn giản chỉ là thời gian thầy trò tán gẫu ngoại đề thoải mái…. 
Sự đan xen luyện tập và những bài nói chuyện của thầy cô mang tính thư giãn, giải trí nhưng bồi bổ nhiều kiến thức âm nhạc, tăng thêm cho trẻ sự gắn bó/kết nối với môn học và tăng cường sự thân thiện, hòa đồng, cảm thông sâu sắc giữa thầy/cô và đứa trẻ… khiến cho không khí giờ học thêm hứng thú và đa dạng, thuận thành và êm ái với trẻ.

Thực hành bền bỉ PHƯƠNG CHÂM KỶ LUẬT MỀM này, khiến phẩm chất nghệ thuật của đứa trẻ chuyển biến tự nhiên, thân thiện và buông lỏng tâm thế…. Nên thực chất, hiệu quả rất mỹ mãn, không khiên cưỡng và gượng ép bao giờ!

NGHỆ THUẬT LÀ MÔN HỌC MÀ CHÚNG TA KHÔNG THỂ DÙNG Ý CHÍ ĐỂ NÉN TRONG THỜI GIAN NGẮN!

NGHỆ THUẬT LÀ MÔN HỌC TRÀN ĐẦY TÍNH SÁNG TẠO VÀ HỨNG THÚ NÊN CHÚNG TA KHÔNG THỂ CHỈ SỬ DỤNG KỶ- LUẬT- CỨNG VÀ MỆNH LỆNH!

NGHỆ THUẬT LÀ PHẨM CHẤT ĐƯỢC CHƯNG CẤT VÀ THĂNG HOA TRONG SỰ BỀN BỈ VÀ NỖ LỰC TOÀN VẸN LÂU DÀI KHÔNG KỲ VỌNG. TỰA NHƯ KHI CHÚNG TA TRỒNG MỘT CÂY HỒNG, THÌ CỨ CHĂM SÓC ÂN CẦN, BẮT SÂU, TƯỚI NƯỚC, YÊU THƯƠNG... NHƯNG ĐỪNG HỐI THÚC, ĐỪNG BÓN THUỐC KÍCH THÍCH... HÃY BỀN BỈ, THÌ MỘT BAN MAI TRONG LÀNH, HOA HỒNG SẼ DÂNG HIẾN VẺ ĐẸP CHO BẠN, KHÔNG HẸN TRƯỚC NHƯNG ĐẦY TINH KHÔI, THƠM NGÁT VÀ XÚC ĐỘNG!

TAGS :

zalo