Hằng ngày bạn thấy, biết bao bố mẹ mua đàn cho con học, đọc biết bao bài báo nói về tác dụng của âm nhạc, biết bao người so sánh trình độ với nhau… Vậy rốt cuộc, học đàn piano để làm gì? Đó là công việc duy lý trí (làm vì việc đó có ích) hay đó là công việc của cảm xúc (thích thì làm, cho vui)?
Vẫn biết âm nhạc rất tốt, giúp thông minh hơn, khéo léo hơn, tự tin hơn… Nhưng đừng chỉ vì những điều đó mà gò ép, cố gắng. Học như thế chỉ làm khổ nhau.
Nhiều người học đàn, đặc biệt là những người học chuyên nghiệp, rất hay so sánh trình độ với nhau. Họ dựa vào lý thuyết, so sánh, dựa vào lượng kiến thức “khủng”, dựa vào kỹ thuật phải thế này thế kia… để so sánh, để phân biệt cao thấp.
Nhưng người ta thích một bản nhạc, không phải vì bản nhạc đó khó, không phải vì bản đó kỹ thuật cao. Người ta thích nó, đơn giản là người ta… thích.
Hãy mặc kệ bọn so sánh, mặc kệ bọn đánh giá. Hãy chơi đàn vì bạn… THÍCH.
Khi nào bạn có thể chơi đàn bộc lộ hết được cảm xúc của mình. Cảm giác thật đã, thật sảng khoái. Bạn đang thư thái, nhẹ nhàng, hay bạn đang vội vã, tức giận, bạn có thể phiêu trên phím đàn. Có lẽ, đó là lợi ích cao nhất của việc học.
Khi nào bạn ung dung thoải mái, chơi đàn mà không cần biết người ta đang nghĩ gì. Có lẽ, đó là cảnh giới cao nhất của người chơi đàn piano.
Hãy mặc kệ bọn so sánh, mặc kệ bọn đánh giá. Hãy chơi đàn vì bạn… THÍCH.
NHƯNG
Nhiều học sinh, đặc biệt là phụ huynh có con học đàn, lúc nào cũng ra rả điệp khúc “cháu học cho vui ấy mà, không quan trọng quá đâu” trước mặt con cái mình.
Vẫn biết là học để cho vui. Nhưng không con đường nào trải hoa hồng. Học đàn cũng cần có kỷ luật riêng của nó. Nhiều bé rất ham học, rất có năng khiếu. Nhưng nghe bố mẹ nói nhiều “điệp khúc” đó, thành ra dần lơ là, coi thường việc học.
Gián tiếp, bạn đang dạy cho con mình thái độ thiếu nghiêm túc. Dù đó là việc nhỏ hay việc lớn.
Nếu bạn có con đang học piano, xin đừng là người giám sát. Đừng lúc nào cũng hỏi: Con chơi được bao nhiêu bài rồi? Sao học bài này lâu thế?
Hãy là người bạn của con, chia sẻ cảm giác vui sướng khi con “phá” được một bản nhạc.
Dĩ nhiên, bạn cần quan tâm xem con tiến bộ tới đâu. Nhưng đừng để lộ cho con biết điều đó. Hãy là người bạn của con, chia sẻ cảm giác vui sướng khi con “phá” được một bản nhạc. Bởi vì nếu bạn biết rằng, để “phá” (tập) được một bản nhạc, con đã trải qua những vất vả như thế nào đâu. Đó thực sự là một thành tích.
Hãy hỏi con: Hôm nay con học đàn có vui không? thay vì hỏi câu nặng nề: Hôm nay con có học được cái gì không đó.
Nếu trong các việc khác, với vai trò ba mẹ, bạn là người giám sát. Nhưng trong việc học đàn, hãy là người chia sẻ cảm xúc.